Thanh tra chùa Bồ Đề: Sư trụ trì Đàm Lan nói gì?

Ngày 11/08/2014 20:42 PM (GMT+7)

"Nhiều khi người già hay trẻ nhỏ đến xin ở nhờ hay bỏ ngoài cổng chùa, nếu không nhận họ vào chùa thì thấy rất tội và lương tâm không thanh thản", sư Đàm Lan nói sau khi Hà Nội thanh tra toàn diện chùa Bồ Đề- nơi liên quan đến nghi án mua bán trẻ em.

Trao đổi với phóng viên, sư trụ trì chùa Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội cho biết, sau một tuần phối hợp cùng đoàn thanh tra quận Long Biên, chùa Bồ Đề đã tích cực phối hợp cùng đoàn thanh tra để sớm có kết luận.

Đến chiều ngày 8/9, đoàn thanh tra gồm 5 tổ công tác đã kết thúc các nội dung làm việc tại chùa để tổng hợp, khớp nối nội dung giữa các tổ.

Là người trực tiếp phối hợp và làm việc với đoàn thanh tra, Ni sư Thích Đàm Lan cho biết: “Kết quả thì nhà chùa (Ni sư Thích Đàm Lan- PV) chưa biết. Đoàn thanh tra chưa thông báo kết luận cho nhà chùa, tất cả quá trình làm việc tại chùa của đoàn thanh tra, công an thì nhà chùa đã thông tin nhanh, đầy đủ những gì thuộc về nhà chùa để đoàn thanh tra và công an tiến hành sớm có kết quả. Những em bé mà dư luận cho rằng bị mất thì nhà chùa đã thông tin, địa chỉ, số nhà cụ thể để cơ quan chức năng xác minh".

Thanh tra chùa Bồ Đề: Sư trụ trì Đàm Lan nói gì? - 1

Sư trụ trì chùa Bồ Đề Thích Đàm Lan.

Bên cạnh đó, ni sư Thích Đàm Lan cũng cho hay: “Nhà chùa làm từ thiện nhiều năm rồi, nhiều người biết vậy đến chùa xin ở lại, người thì ở qua đêm, người thì xin ở lại lâu dài. Tất cả các đối tượng đến với nhà chùa, nhà chùa chỉ biết họ đói thì cho ăn, khát cho uống, thiếu chỗ ở thì cho ở. Tuy nhiên, các cháu đến đông quá nên khả năng có hạn. Chính vì vậy phía nhà chùa có kiến nghị qua quận, thành phố, công an giúp đỡ gửi các trẻ em và người già lên Trung tâm.

Mong thành phố quan tâm giúp đỡ các đối tượng trẻ em không cha mẹ, bị bỏ rơi, người già không nơi nương tựa, nhà chùa đón nhận nuôi nhiều đối tượng cũng chỉ xuất phát từ lòng từ bi của nhà phật.

Nhiều khi các ông bà già hay trẻ nhỏ đến xin ở nhờ hay bỏ ngoài cổng chùa, nếu không nhận họ vào chùa thì thấy rất tội và lương tâm không thanh thản. Lúc đó bản thân họ như bước đường cùng nên xin nương nhờ nơi cửa phật vậy mà không cho ở cũng khó cho nhà chùa lắm? Họ đến chùa không nhẽ lại đuổi họ đi, đuổi đi như vậy không thể tránh khỏi mang tiếng ác, người đời hiểu sai về nhà chùa. Có những lúc nhà chùa đưa các em bé đi bệnh viện hay chuyển về trung tâm trăm sóc cũng đã bị hiểu lầm là “hắt hủi” người có hoàn cảnh khó khăn".

Trước đó, trao đổi với Đời sống và Pháp luật, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đã trực tiếp chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH thành phố yêu cầu chùa Bồ Đề tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng và tạm dừng tiếp nhận đối tượng mới.

Theo báo cáo nhanh lên thành phố thì chiều ngày 9/8, đoàn thanh tra đang thống kê số lượng, phân tích đối tượng và tổng hợp nội dung để đưa ra kết luận cuối cùng.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH thành phố Hà Nội thì các trung tâm được lên kế hoạch tiếp nhận các trẻ mồ côi tại chùa gồm: Trung tâm bảo trợ xã hội 1, 2, 3; Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật; Trung tâm giáo dục lao động xã hội số 2.

Như tin tức báo Đời sống và Pháp luật đã đưa, chiều 4/8, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an Hà Nội cho biết đã chính thức khởi tố vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề.

Trao đổi với báo chí, Trung tá Nguyễn Cao Khải, Phó đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an Hà Nội cho biết, ngày 1/8 PC45 nhận được đơn của gia đình cháu Cù Nguyên Công mất tích. Ngày 3/8, bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt về hành vi mua bán trẻ em.

Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978) là người quản lý khu nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, quê quán tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng triệu tập 3 nghi phạm khác để điều tra.

Bước đầu, cơ quan điều tra đã xác định việc hai nghi phạm bị bắt đã thực hiện việc mua bán bé Cù Nguyên Công (trẻ sơ sinh được nuôi tại chùa Bồ Đề vào cuối năm 2013) với giá 35 triệu đồng.

Ngay sau khi bị bắt, Nguyễn Thị Thanh Trang đã khai nhận hành vi “mua bán trẻ em” được nuôi tại chùa Bồ Đề của mình.

Theo Sơn Hùng (Đời sống & Pháp luật)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot