'Ông Nho từng bị xử lý nhưng vẫn khám bệnh, bốc thuốc!'

Ngày 22/04/2014 16:11 PM (GMT+7)

Trao đổi với PV, đại diện các cơ quan chức năng xã Xuân Giang và huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đồng khẳng định việc ông Nho khám chữa bệnh là sai và từng kiểm tra, xử lý ông Nho.

Ông Đỗ Xuân Thìn – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Giang cho biết: “Thông tin ông Nguyễn Bá Nho khám chữa bệnh trái phép chúng tôi đã nắm được. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiểm tra và kiến nghị lên cấp trên, yêu cầu giúp đỡ và xử lý”.

“Mới đây nhất, phía Phòng Y tế huyện cũng đã về kiểm tra và xử lý rồi”, ông Thìn nói.

Ông Nho từng bị xử lý nhưng vẫn khám bệnh, bốc thuốc! - 1

Ông Đỗ Xuân Thìn - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Giang (Sóc Sơn, Hà Nội) .

Tuy nhiên, khi hỏi về vai trò của chính quyền xã trong việc quản lý, ông Thìn cho rằng: “Quản lý khám chữa bệnh là trách nhiệm của các cơ quan chức năng bên y tế”.

“Chúng tôi cũng có cái khó của mình, anh thông cảm cho. Nhưng trách nhiệm quản lý và xử lý là thuộc về Phòng Y tế huyện và Sở Y tế TP Hà Nội, chứ chúng tôi không biết”, ông Thìn nói.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trịnh – Trưởng phòng Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) khẳng định: “Việc ông Nguyễn Bá Nho trú tại thôn Lai Cách (xã Xuân Giang) tự ý khám chữa bệnh cho bệnh nhân ngay tại nhà là sai với quy định hiện hành. Ông Nho chỉ là hội viên Hội Đông y Sóc Sơn, không hề được cấp phép khám, chữa bệnh”.

Ông Nho từng bị xử lý nhưng vẫn khám bệnh, bốc thuốc! - 2

Ông Nguyễn Bá Nho (áo xanh) đang hành nghề tại nhà.

“Qua thông tin phản ánh của người dân và của chính quyền sở tại, chúng tôi cũng đã lập đoàn kiểm tra và đã xử lý vi phạm. Nhưng không rõ vì sao mà cứ được một thời gian là lại đâu vào đấy”, ông Trịnh nói.

Ông Nho từng bị xử lý nhưng vẫn khám bệnh, bốc thuốc! - 3

Ông Nho từng bị xử lý nhưng vẫn khám bệnh, bốc thuốc! - 4

Biên bản kiểm tra và xử phạt ông Nguyễn Bá Nho của Phòng Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Về mức độ nguy hiểm cho bệnh nhân khi đến lấy thuốc, ông Trịnh cho biết: “Sẽ nguy hiểm đấy. Dùng thuốc không rõ nguồn gốc, không đúng bệnh thì có khi bệnh nọ còn chuyển sang bệnh kia. Nhưng mà nói thật nhé, tôi không hiểu sao mà lại có những tờ báo đăng bài viết về ông Nho chữa được cả ung thư thế nhỉ? Tôi thấy viết lách cũng linh tinh quá. Tôi nghĩ vấn đề ông Nho trở nên phức tạp chính là vì một số tờ báo cũng đã đưa tin sai sự thật về khả năng chữa bệnh của ông ấy”.

“Chúng tôi đã kiểm tra và xử phạt ông Nho tại nhà rồi. Nhưng vẫn tái phạm. Chúng tôi đã làm tờ trình và sắp tới sẽ gửi tờ trình lên Sở Y tế Hà Nội và yêu cầu thanh tra Sở Y tế cùng vào cuộc để giải quyết dứt điểm vấn đề này”, ông Trịnh khẳng định.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế): “Hiện nay, hoạt đông khám chữa bệnh của các cá nhân và cơ sở tư nhân đã được Luật hóa. Luật Khám – Chữa bệnh của QH ban hành năm 2009 đã quy định khá rõ ràng về vấn đề này.

Hoạt động khám chữa bệnh bằng Đông y hiện nay theo các thông tư ban hành của Bộ Y tế thì mức độ quản lý có phần “mềm” hơn so với Tây y nhưng cũng phải tuân thủ đúng theo Luật pháp, không phải cứ xưng danh là lương y, là hội viên Đông y là anh có thể bốc thuốc chữa bệnh được đâu. Khám chữa bệnh liên quan đến cả tính mạng con người, nên phải được phép của các cơ quan chức năng. Ngay cả khi đã có giấy phép của cơ quan chức năng rồi thì anh vẫn phải tuân thủ đúng theo giấy phép đó.

Khoản 2 và 3 Điều 7 của Luật Khám – Chữa bệnh ghi rõ các hành vi bị cấm khám chữa bệnh như sau: “Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động” và “Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu”.

Ngoài ra, tại Khoản 7 Điều 6 về các hành vi cấm cũng quy định rõ: “Quảng cáo không đúng với khả năng, trình độ chuyên môn hoặc quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động; lợi dụng kiến thức y học cổ truyền hoặc kiến thức y khoa khác để quảng cáo gian dối về phương pháp chữa bệnh, thuốc chữa bệnh” thì cũng bị cấm.

Về trường hợp của ông Nho, theo quảng cáo thì ông tự xưng là chữa được cả bệnh ung thư  giai đoạn cuối – điều mà ngay cả nhiều nền y học tiên tiến trên thế giới họ còn đang phải bó tay, tôi nghĩ là ông đã quảng cáo không đúng sự thực, đánh lừa người bệnh. Mà quảng cáo không đúng sự thực với khả năng chuyên môn thì cơ quan chức năng có quyền kiểm tra, tước giấy phép (nếu có) và xử lý”.

H.Sơn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan