Nỗi đau người mẹ 'da rắn' có con mang án giết người

Ngày 23/09/2014 08:57 AM (GMT+7)

Nhiễm chất độc da cam từ nhỏ, khắp thân thể chị Phương Anh mụn mọc chi chít, lồi lõm bong tróc như da rắn. Người phụ nữ có thân hình nhỏ thó, đen nhẻm ấy nay đang phải chịu thêm nỗi đau khi đứa con trai duy nhất bị khép tội giết người.

Chống trả người đánh mình, vẫn bị khép tội “giết người”?

Sự việc bắt nguồn từ việc, khoảng 20h ngày 5/9/2013, anh Trần Bảo Phương, học viên của Học viện Cảnh sát nhân dân cùng nhóm bạn tới quán karaoke EIFFEN (10B-M1, Tập thể Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại phường Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) để hát. Tuy nhiên, do sơ ý nên Phương làm vỡ đồ trang trí trong quán.

Thấy vậy, bảo vệ của quán là Bùi Hoàng Phúc (17 tuổi, trú khu Tập thể mỏ địa chất xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) đã nói "vỡ thì phải đền".

Trong người có sẵn men rượu, Phương lớn tiếng cự cãi khiến vụ việc trở nên căng thẳng, cả hai kéo nhau ra ngoài “nói chuyện”. Sau một hồi đấu võ mồm, hai bên xông vào ẩu đả. Biết mình yếu thế, lại bị Phương đuổi theo chặn đánh, Phúc đã dùng gậy gỗ đập vào đầu khiến đối phương chảy máu.

Sau vụ ẩu đả, Phúc bỏ chạy đến nhà Chu Tuấn Anh (19 tuổi, ở khu Tập thể Học viện Cảnh sát Nhân dân) gọi thêm đồng bọn gồm Lê Văn Thanh (21 tuổi), Lê Văn Thành (17 tuổi) và một người tên Duy (hiện chưa rõ danh tính) đến quán karaoke EIFFEN để tìm anh Phương để giải quyết mâu thuẫn. Phát hiện Phương vẫn còn trong quán, Tuấn Anh nhặt chiếc gậy gỗ phang thẳng vào mặt Phương khiến nạn nhân bất ngờ, không kịp chống trả. Ngay lúc đó, Duy cầm dao xông tới chém tới tấp vào đầu, tay tới khi Phương ngã gục rồi bỏ đi.

Nỗi đau người mẹ da rắn có con mang án giết người - 1

Cháu Nguyễn Văn Tú kể lại sự việc.

Nhân chứng là cháu Nguyễn Văn Tú (15 tuổi, trú tại Trần Hưng Đạo, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), thuật lại: “Lúc dắt xe vào bãi gửi, anh Phúc bị anh Phương đi theo rồi đánh. Bị đánh, anh Phúc luồn qua nách anh Phương chạy ra đường. Không chịu buông tha, anh Phương vẫn cố tình đuổi theo nói với “tao chấp mày đến cùng đó”. Thấy vậy, anh Phúc phản kháng bằng việc vớ ngay miếng gỗ gần cạnh, quay lại đánh anh Phương. Sau đó còn có thêm 3 người nữa đuổi theo anh Phúc. Khi đến bến xe buýt thì anh Phúc vứt mảnh gỗ rồi chạy vào phía ngõ 2 khu tập thể Tăng Thiết Giáp”.

Nhân chứng này cho biết thêm: “Sau đó, anh Phương về lại quán Karaoke để đợi anh Phúc. Ngay lập tức bị Tuấn Anh nhặt chiếc gậy gỗ phang thẳng vào mặt Phương. Tiếp đó, anh Duy cầm dao xông tới chém tới tấp vào đầu, tay anh Phương rồi lên xe bỏ chạy”. Tú cũng khẳng định: “Lúc anh Phương bị chém thì cháu không thấy anh Phúc có mặt”.

Một điều đáng nói, nạn nhân bị thương tích vĩnh viễn 40%, trong 4 bị cáo bị xử phạt, Phúc và Thành đều không có mặt tại hiện trường khi Phương bị chém. Đối tượng trực tiếp gây ra thương tích cho nạn nhân là Duy đã bỏ trốn, đến nay vẫn chưa bị bắt giữ. Tuy nhiên VKSND TP. Hà Nội vẫn truy tố 4 bị cáo về tội “Giết người”.

Tại phiên tòa ngày 17/9/2014, bị cáo Phúc một mực khẳng định, do bị nạn nhân đánh nên mới kích động trả đũa chứ không hề có ý định đánh lại. Trong bản kết luận của CQ CSĐT, CA TP Hà Nội, thương tích 40% của nạn nhân là do một vật sắc nhọn gây nên trong khi đối tượng Phúc tấn công Phương bằng một thanh gỗ, bị cáo Tuấn Anh dùng tay chân đấm đá sẽ không thể gây ra thương tích như vậy. Thành cũng khai nhận chỉ cầm con dao nhưng không chém, nếu cả ba bị cáo đều bị quy kết tội danh “Giết người” là quá nặng.

Kết thúc phiên xét xử các bị cáo, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Chu Tuấn Anh, 18 năm tù giam, Bùi Hoàng Phúc, 16 năm, Lê Văn Thanh, 13 năm và Lê Văn Thành, 10 năm tù giam.

Luật sư Nguyễn Doanh Hưng– Văn phòng luật sư Hưng Giang – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nêu quan điểm: “Theo tôi, bản án này quá nặng. Trong vụ án này, các bị cáo chỉ có thể coi là đồng phạm đơn giản với tội cố ý gây thương tích chứ không phải đối tượng giết người. HĐXX định tội danh giết người là quá nặng, không phù hợp với tính chất nhân đạo của pháp luật Việt Nam”

Cuối phiên xét xử, khi cáo bị cáo được dẫn giải lên xe để về trại tạm giam, bị cáo Phúc đã cố gắng ngoái cổ về phía người thân, nhét vội vào tay người mẹ tội nghiệp hình trái tim có dòng chữ “con yêu gia đình” và không quên nhắn nhủ “mẹ giữ gìn sức khỏe nhé”.

Người mẹ nhiễm chất độc da cam đang gồng mình kêu oan cho con

Tìm đến nhà bị cáo Phúc vào một buổi chiều mưa, một căn nhà nhỏ chỉ rộng khoảng 15m2 nằm lọt thỏm giữa những dãy nhà cao tầng.

Nước mắt ngắn dài, chị Mai Thị Phương Anh (40 tuổi, mẹ Phúc) cho biết: “Hôm đó, tôi nghe chị hàng xóm nói, có đám thanh niên đang tìm con trai tôi để giết, nên tôi đã gọi điện cấm cháu không được. Mặc dù, con trai tôi phạm tội chưa đầy 18 tuổi nhưng phía cơ quan điều tra không cho tôi thực hiện quyền giám hộ khi lấy lời khai”.

Nỗi đau người mẹ da rắn có con mang án giết người - 2

Thời gian bị tạm giam, Phúc đã làm hình trái tim thếu chữ "con yêu gia đình".

Được biết, chị Phương Anh bị nhiễm chất độc màu da cam từ người cha là thương binh hạng ¼ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trên thân thể của người phụ nữ này toàn những mụn mọc chi chít, lồi lõm bong tróc như da rắn, thân hình nhỏ thó, đen nhẻm nên đến tuổi “cặp kè” vẫn không có ai để mắt tới. Đến năm 25 tuổi có một người đàn ông cũng đem lòng thương chị. Thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày ngang”, khi chị đang mang thai tháng thứ 3, người đàn ông đó đã bỏ lại mẹ con chị để đi vào Nam sinh sống.

Giọng nói yếu ớt, chị tâm sự: “Tôi tự nhìn vào thân thể mình đã thấy sợ rồi, nói gì đến một người đàn ông nên tôi cũng không trách gì bố cháu Phúc, chỉ tội nghiệp thằng Phúc mới ít tuổi có cha mà như không có”.

Nói rồi chị buồn bã: “Do bản thân bị nhiễm chất độc dioxin nên thằng bé sinh ra cũng yếu ớt, trí nhớ cũng hơi kém, nhưng vì thương mẹ, cháu vẫn quyết tâm thi đậu cao đẳng y, thế mà đến lúc có giấy báo nhập học thì cháu lại dính vào vòng lao lý”.

Tiếp lời con gái, bố chị Phương Anh chia sẻ: “Gia đình tôi không có mong muốn gì hơn làpháp luật nghiêm minh xử đúng người, đúng tội, hợp tình vẹn lý, chứ cháu tôi vì bị Phương hành hung nên đánh trả lại 1 cái mà mang án “giết người” thì quả thật rất đau lòng, oan uổng”.

Khi nhắc đến bị cáo Phúc, người dân trong vùng không khỏi tiếc nuối. Chị Nguyễn Ngọc H, cho biết: “Ở địa phương, cháu Phúc rất ngoan ngoãn, ngoài giờ đi học cháu còn giúp mẹ giặt đồ, sấy tóc, nấu ăn. Mỗi khi, mẹ phát bệnh là cháu lại túc trực ở bên. Chưa bao giờ chúng tôi thấy nó lớn tiếng với ai, huống hồ gì đánh người, chắc lúc đó Phúc bị kích động”.

Theo Huy Trung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot