Đi tìm lời giải “hiện tượng lạ” tại sân bay Nội Bài

Ngày 14/09/2014 11:34 AM (GMT+7)

Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội xôn xao lan truyền một bức ảnh được cho là chụp từ vệ tinh cho thấy một hiện tượng kỳ lạ tại sân bay Nội Bài. Vậy thực hư câu chuyện này là thế nào?

Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội xôn xao lan truyền một bức ảnh được cho là chụp từ vệ tinh cho thấy một hiện tượng kỳ lạ tại sân bay Nội Bài. Vậy thực hư câu chuyện này là thế nào?

Cư dân mạng xôn xao, nạn nhân lên tiếng

Bức ảnh nói về hiện tượng kỳ lạ này được một người dùng Facebook có nickname Hoàng Cá... chia sẻ từ face Adam Usb. Ngay khi được đăng tải lên tường Facebook trên, bức ảnh đã thu hút được một lượng lớn người ghé đọc, bình luận và chia sẻ.

Đi tìm lời giải “hiện tượng lạ” tại sân bay Nội Bài - 1

Bức ảnh về hiện tượng kỳ lạ được lan truyền trên mạng gây xôn xao dư luận.

Qua tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, những người ghé xem bức ảnh trên chủ yếu là các nhân viên hiện đang làm việc tại Xí nghiệp Thương mại Mặt đất Nội Bài (XN TMMĐ Nội Bài).

Theo dõi các comment dưới bức ảnh, dường như tất cả đều nói về một hiện tượng kỳ lạ vừa xảy ra tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Một trong năm chiếc máy bay chở khách bị một chùm ánh sáng xanh bủa vây và hai nhân vật chính được nhắc đến nhiều nhất là Tuấn "Bates" và Nam "Đào Ao".

Câu chuyện về hiện tượng kỳ lạ tại sân bay Nội Bài bắt đầu rôm rả hơn khi xuất hiện một vài người mới tham gia hỏi han.

Kết nối với một người có comment dưới bức ảnh, chúng tôi xin được số liên lạc của người mà các Facebook gọi là Tuấn "Bates", nạn nhân trong hiện tượng kỳ lạ tại sân bay Nội Bài. Qua trao đổi, chúng tôi được anh giới thiệu, anh tên Nguyễn Văn Tuấn (SN 29/03/1973, số 22 Chợ Con, TP. Hải Dương, nhân viên Xí nghiệp TMMĐ Nội Bài). Anh Tuấn kể: Hôm đó vào khoảng 12h06, ngày 26/6/2014, anh cùng bốn nhân viên khác đang làm nhiệm vụ khai thác hành lý trên hai khoang của chuyên cơ mang số hiệu KE479/480 vừa chở khách từ Hàn Quốc về.

Đang điều khiển xe nâng số 14 chất hành lý, hàng hóa ở hầm hàng H3, 4, anh bỗng nghe thấy một tiếng nổ lớn từ trên trời, cùng sau đó là một chùm sáng lóe lên. Như có một luồng điện chạy qua người, toàn thân anh Tuấn tê dại. Anh nằm bất tỉnh tại chỗ. Cảm giác tê rát, nóng bỏng trong người, mặt mũi tối sầm. Đến nay, sự việc đã xảy ra hơn ba tháng, nhưng bản thân anh cũng không hiểu vì sao hiện tượng đó lại xuất hiện và ập xuống đầu anh.

Anh Trịnh Hải Nam, nhân viên Xí nghiệp TMMĐ Nội Bài, cũng là một trong số những người chứng kiến và chịu ảnh hưởng từ hiện tượng lạ tại sân bay Nội Bài cho biết, hôm xảy ra sự việc, anh cùng hai người khác đang làm việc trên khoang 1. Đang hì hụi khuân đồ, bỗng thấy một tiếng nổ lớn vọng lại, không hiểu vì sao toàn thân anh như có luồng điện chạy qua, anh bị choáng váng mất khoảng 10 phút, sau đó được mọi người đưa ra ngoài. Về nhà thì thấy lưng bị bỏng rát từng đám lớn.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Trần Văn Khánh, Chánh văn phòng Xí nghiệp TMMĐ Nội Bài cho biết, sự việc máy bay bị hiện tượng lạ gây ảnh hưởng là có thực và những người hứng chịu hậu quả chính là các nhân viên đang làm việc trong Xí nghiệp của ông. Sau khi xảy ra sự việc, Ban lãnh đạo Xí nghiệp đã báo cáo toàn bộ hiện tượng lạ đó lên phía Cảng vụ để tìm hiểu nguyên nhân.

Ông Lê Đình Hằng, Trưởng phòng Dịch vụ sân đỗ của Xí nghiệp TMMĐ Nội Bài cũng xác nhận sự việc: "Hai nhân viên trực tiếp đang làm việc và bị thương là Nguyễn Văn Tuấn và Trịnh Hải Nam, còn một số khác bị ảnh hưởng nhẹ. Ngay sau vụ việc, chúng tôi tiến hành lập biên bản và gửi lên các bên có thầm quyền của Sân bay để tìm hiểu nguyên nhân".

Hiện tượng lạ chỉ là rủi ro từ thiên nhiên

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật trước hiện tượng lạ gây thương vong cho nhân viên tại sân bay Nội Bài, ông Trương Hữu Linh, Trưởng phòng Giám sát an toàn hàng không (Cảng vụ Hàng không miền Bắc) cho biết, đó chỉ là một rủi ro thiên nhiên và chưa gây ra hậu quả lớn, đặc biệt không ảnh hưởng tới an toàn bay.

Đi tìm lời giải “hiện tượng lạ” tại sân bay Nội Bài - 2

Ông Trương Hữu Linh trao đổi với PV.

Tuy nhiên, ông Linh cũng cảm thấy bất ngờ, bởi theo ông được biết, thì hệ thống chống sét và các rủi ro từ thiên nhiên luôn hoạt động 24/24h, thậm chí ngay cả khi sân bay không hoạt động thì các hệ thống đó vẫn phải hoạt động liên tục để phòng chống. Việc nó vận hành như thế nào thì lại thuộc về cơ quan có chuyên môn, những người trực tiếp thiết kế, xây dựng hệ thống đó.

Cũng theo ông Linh, hầu hết vỏ máy bay được chế tạo chủ yếu bằng nhôm, một chất liệu dẫn điện rất tốt, hoàn toàn không có khe hở, nên khi bị sét đánh, dòng điện sẽ chỉ di chuyển dọc theo lớp vỏ ngoài của máy bay mà không gây ảnh hưởng gì đến bên trong.

Đối với phi cơ chở khách hiện đại, giải pháp bảo vệ máy bay còn bao gồm đường dây dẫn dài hàng km, thiết bị, máy tính và bộ phận kiểm soát khác. Các bộ phận của hệ thống bảo vệ máy bay an toàn trong hành trình bay, hoặc khi hạ cánh phải được xác nhận.

Một bộ phận quan trọng của máy bay là hệ thống nhiên liệu, nơi chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng có thể gây ra thảm họa. Để đảm bảo an toàn, phần vỏ bên ngoài khoang chứa nhiên liệu phải đủ dày, các bộ phận nối hay ốc vít phải được thiết kế chặt chẽ, giúp ngăn dòng điện đi từ khu vực này sang khu vực khác.

Cửa khoang, nắp khoang nhiên liệu, lỗ thông hơi, hệ thống đường ống và dây dẫn nhiên liệu, động cơ cần được kiểm tra khả năng chịu sét. Ngày nay, nhiều hãng hàng không đã sử dụng một nhiên liệu mới, ít có khả năng gây nổ hơn, để hạn chế nguy cơ gặp nạn.

Bộ phận chứa radar hình chóp nón trên máy bay là nơi được chú ý bảo vệ đặc biệt trước tác động của sét. Lớp vỏ bảo vệ radar không được làm bằng chất dẫn điện mà thay vào đó là các dải phân tán sét bên ngoài. Cấu trúc này hoạt động tương tự như cột thu lôi của các tòa nhà. Tuy nhiên, trong những điều kiện thời tiết xấu, ngay cả khi máy bay đang bay trên trời, chứ chưa nói đang đậu trong sân đều có thể gặp rủi ro, nhưng người ta đã tính toán để giảm thiểu đến mức tối ưu nhất.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối

"Còn riêng sân bay Nội Bài, từ nhà ga đến sân đỗ đều được trang bị hệ thống chống sét dày đặc. Minh chứng là từ nhà ga T1, thậm chí đài chỉ huy trên cao đều có hệ thống chống sét, nên sét rất khó có thể đánh xuống sân bay. Hiện tượng lạ xuất hiện tại sân bay vừa rồi thực chất chỉ là một rủi ro từ thiên nhiên, không thường xuyên xuất hiện tại sân bay Nội Bài và chưa gây ra hậu quả lớn. Nói chính xác hơn chỉ là bị ảnh hưởng, bởi ngay sau đó, máy bay vẫn tiếp tục khai thác được. Theo tôi thì không hề ảnh hưởng tới an toàn bay", ông Linh nói.

Trước thông tin hệ thống chống sét của sân bay bị trục trặc, ông Linh chia sẻ: "Để có câu trả lời chính xác cho những thắc mắc này phải do một bộ phận khác. Còn thời tiết xấu, bay vào đó đương nhiên là mất an toàn, đằng này máy bay đậu dưới sân mà bị sét đánh thì chỉ là rủi ro do điều kiện thời tiết đưa đến, chứ không phải cứ trời mưa là bị sét đánh".

Ông cũng chia sẻ về sự an toàn tuyệt đối của nhà ga sân bay: "Trước khi xây dựng, người ta đã tính toán chính xác sao cho tối ưu nhất trước các điều kiện thời tiết. Trên sân bay, đường cất hạ cánh, đường hạ cánh đều có các lan can, với hệ thống hành lang rất nhạy cảm và chính xác. Còn tại sao tàu bay đấy bị sét đánh trúng, thì vào thời điểm đó, luồng sét nó ngẫu nhiên vào đó. Nói về các lý do thời tiết, thì có muôn vàn điều có thể xảy ra...".

Cũng theo ông Linh, sân bay Nội Bài có gần 4.000 nhân viên thuộc nhiều công ty, xí nghiệp khác nhau hoạt động liên tục 24/24h và mỗi đơn vị xây dựng một quy chế hoạt động riêng để tránh xảy ra những rủi ro nhỏ nhất.

Để hiểu chi tiết hơn về nguyên nhân vụ việc, ông Linh giới thiệu: "Cái này phải do bên Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, họ có một trung tâm chịu trách nhiệm thường xuyên theo dõi, kiểm tra các hệ thống này".

Thường xuyên kiểm tra

Ông Vũ Thế Phiệt, Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài thừa nhận có hiện tượng sét đánh vào sân bay Nội Bài, nhưng đánh trúng máy bay khi đang đậu tại bãi đỗ thì ông chưa thấy thông báo gì. ông nói: "Sự cố sét đánh máy bay đương nhiên là có trong những điều kiện thời tiết không bình thường. Hiện tượng sét đánh vào khu vực ngoài đường băng, sân đỗ tại sân bay Nội Bài là có. Mình làm sao có thể chống hết sét được".

Về vụ việc sét đánh trúng máy bay vào ngày 28/6, ông Phiệt khẳng định, không có chuyện các cột thu lôi của sân bay bị trục trặc. Bởi bộ phận có trách nhiệm của sân bay thường xuyên kiểm tra hệ thống, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Còn về nguyên nhân, ông Vũ Thế Phiệt một mực cho biết, từ hôm xảy ra vụ việc, ông không thấy bên nào báo cáo lại. Hơn nữa, phía cơ quan ông không liên quan gì đến việc xảy ra vào ngày hôm đó. Tuy nhiên, để tìm hiểu rõ nguyên nhân, ông sẽ phối hợp làm việc với bên Cảng vụ Hàng không miền Bắc điều tra làm rõ vụ việc.

Theo Đ.T - D.N (Đời sống & Pháp luật)
Nguồn:

Tin liên quan