Theo bác sĩ Nguyễn Thị Song Hà, hút mỡ bụng không gây ảnh hưởng đến việc có thai nhưng vẫn có thể đối mặt những nguy cơ.
Một độc giả bày tỏ: "Em vốn có thân hình tròn trịa, chiếc bụng của em luôn luôn 'phì nhiêu' những ngấn mỡ nên em rất tự ti về nó. Ông xã em khuyên em đi hút mỡ bụng cho đẹp nhưng em sợ đau lắm. Và em sợ nếu mình hút mỡ bụng như thế không biết có ảnh hưởng đến việc mang thai sau này không? Mà không hút thì sau này sinh nở xong, không hiểu bụng em sẽ 'phì nhiêu' chừng nào nữa.
Nếu em để tự nhiên mang thai rồi sinh xong em chăm chỉ gen bụng bằng muối thì liệu vòng 2 của em có nhỏ hơn thời con gái không ạ? Các mẹ nào có kinh nghiệm giúp em với, em xin cảm ơn".
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên bác sĩ bệnh viện Từ Dũ - Hiện làm việc tại Phòng khám sản - phụ khoa Song Hà) cho biết: "Do lớp mỡ nằm ngay dưới da nên hút mỡ bụng không gây ảnh hưởng gì đến việc có thai sau này".
Tuy nhiên, theo bác sĩ Song Hà, khi can thiệp bất kỳ một cuộc phẫu thuật nào bạn cũng sẽ có thể đối mặt với nguy cơ biến chứng trong và sau mổ. Do vậy nếu bạn muốn hút mỡ bụng vì yếu tố thẩm mỹ bạn có thể phải đối mặt với các nguy cơ biến chứng trong và sau khi hút như: tai biến do gây mê hồi sức như phản ứng với thuốc mê, thuốc tê, chảy máu, thuyên tắc mạch, nhiễm trùng... Do vậy, khi thực hiện hút mỡ bụng vẫn cần tư vấn đầy đủ của bác sĩ, tai cơ sở y tế đảm bảo.
"Việc gen bụng sau sinh chỉ làm cho bạn có cảm giác thon gọn tạm thời trong thời gian gen bụng. Bạn nên nhớ để tránh mỡ tích tụ nhiều ở vùng bụng là một quá trình kết hợp lâu dài hợp lý giữa chế độ ăn và vận đông thường xuyên. Do vậy muốn lấy lại vóc dáng thon gọn bạn nên kiên trì kết hợp ăn uống và vận động hợp lý.", bác sĩ Hà chỉ rõ.
Trong một tư vấn cách đây không lâu về bóc mỡ bụng khi sinh, bác sĩ Song Hà khuyến cáo khi can thiệp bất kỳ một cuộc phẫu thuật nào chị em cũng sẽ có thể đối mặt với nguy cơ biến chứng sau mổ. "Do vậy nếu bạn muốn vừa mổ sinh kết hợp mổ bóc mỡ bụng tức là nguy cơ của bạn sẽ tăng gấp đôi. Chính vì thế hầu như các bác sĩ khuyên không nên thực hiện 2 loại phẫu thuật này cùng một lúc", bác sĩ Hà nói.
Khi sinh mổ xong cơ thể bạn vừa trải qua một cuộc phẫu thuật mệt mỏi nên sẽ phải đối mặt với các nguy cơ biến chứng sau hậu phẫu như :
+ Nhiễm khuẩn, băng huyết, tắc mạch huyết khối.
+ Xuất huyết nội
+ Nhiễm trùng vết mổ, có thể phải cắt tử cung thời gian hậu phẫu.
+ Tai biến phẫu thuật do phạm phải các cơ quan lân cận như ruột, bàng quang, niệu quản, gây dò bàng quang - tử cung, dò bàng quang – âm đạo.
+ Tai biến do gây mê hồi sức...
Lúc đó mà cơ thể lại gánh thêm một lại thêm một nguy cơ của bóc mỡ bụng nữa như: chảy máu, thuyên tắc mạch, nhiễm trùng... thì thật là không nên. Do vậy để tạo sự an toàn cho sức khỏe của chị em, các bạn không nên kết hợp làm 2 loại này cùng lúc.